Moju / 盲獣 / Blind Beast – Edogawa Rampo

The Blind Beast

Câu chuyện kể về một lão mù truy cầu nghệ thuật đỉnh cao bằng cách cảm nhận cái đẹp từ đôi bàn tay. Vì lão bị mù, lão không thể cảm nhận cái đẹp bằng đôi mắt; vị giác cũng chỉ có thể thưởng thức vị ngon trong nhất thời; cái mũi lại không nhạy bén như loài vật, chỉ có cái đẹp có thể sờ mó được mới là thưởng thức đỉnh cao đối với người mù. Để tạo ra một tuyệt tác tuyệt đỉnh cảm nhận bằng đôi tay, lão tiếp cận từng nét đẹp khác nhau để thưởng thức, hay nói đúng hơn là những cô gái mang nét đẹp khác nhau bị lão khám phá ra. Bảy cô gái đẹp tương đương với bảy nạn nhân có cái chết bi thảm, đã thành toàn cho lão tạo nên bức tượng điêu khắc có một không hai!

Thú thật, trong quá trình đọc, tôi không nghĩ mình sẽ viết ra được những dòng trên. Khi đọc, tôi chỉ thấy đó là một lão mù bệnh hoạn và đáng tởm với thú vui bệnh hoạn. Nạn nhân đầu tiên của lão là nữ diễn viên xinh đẹp Mizuki Ranko. Cô bị bắt cóc đến căn phòng “playroom” của lão, trong đó lộ rõ sở thích kinh dị và vô cùng bad taste của lão mù. Với Ranko và độc giả thì căn phòng đó là bad taste, nhưng với người chỉ có thể cảm nhận cái đẹp bằng các ngón tay, đó là nghệ thuật! Phải chăng, nghệ thuật hay tục tĩu hay bệnh hoạn, chỉ là do góc nhìn khác nhau mà thôi? Dần dần, Ranko cũng cảm nhận được thứ nghệ thuật ấy nhưng đã quá muộn. Ranko rõ ràng có thể nhìn được, trong đời đã từng nhìn thấy biết bao cái đẹp bằng đôi mắt xinh đẹp của cô? Nay cô lựa chọn nhắm mắt để cảm nhận cái đẹp đối với người mù, chẳng phải cô đã quá tham lam khi tranh giành với người mù? Không, đừng trách Ranko. Cô chỉ là một trong những nạn nhân đáng thương của lão mù mà thôi!

Như đã viết trong phần giới thiệu, có tới bảy nạn nhân với cái chết bi thảm của họ, đương nhiên Ranko cũng chỉ là một trong số đó.

Xuyên suốt câu chuyện có vô số cảnh rùng rợn kinh dị mà người đọc có thể thỏa sức tưởng tượng. Với tôi, tôi thích xem phim hơn đọc chữ. Những cảnh chặt xác và phi tang các bộ phận một cách khoa trương lô liễu như thế, nếu lên phim hẳn sẽ trực quan sinh động hơn nhiều, nhất là khi bản dịch tiếng Anhkhá là khó đọc khiến tôi khó hình dung (tôi còn tưởng đây là bản dịch của fan, hóa ra nó được bán trên Amazon dưới dạng ebook…)

Sau khi đọc xong, tôi mới tìm hiểu thông tin, mới biết Blind Beast có phim phiên bản 1969. Tôi liền tìm xem (Link youtube. Ai muốn hỏi link thì xin miễn, cứ tìm trên youtube. Phim nói tiếng Nhật nhưng có thể chỉnh sub tiếng Anh tự động). Đây là một phim chỉnh chu và khá hay. Nó loại bỏ được những yếu tố vô lý của truyện, đồng thời tạo nên cao trào cảm xúc về cái erotic grotesque mà tôi không cảm nhận được ở nguyên tác. Erotic grotesque, nói nôm na là sự quyến rũ xấu xí. Trong nguyên tác tôi chỉ thấy xấu xí chứ không hề quyến rũ, nhưng trong phim tôi có thể cảm nhận rõ cả hai yếu tố này.

Khi đọc nguyên tác, tôi mong đợi một bản điện ảnh. Nhưng khi xem bản điện ảnh, mặc dù đánh giá rất tốt, tôi vẫn thích nguyên tác của Rampo hơn.

Chỉ có trong nguyên tác, tâm lý dị dạng của con người mới được miêu tả rõ nét không thể che giấu.

Btw, nếu bạn xem trọng logic thường thức thì rõ là không hợp với Moju này, bởi truyện có nhiều chỗ rất vô lý.

***

Vài dòng về phim điện ảnh Blind Beast (1969):

Phim đi theo hướng rất khác với nguyên tác của Rampo. Trong nguyên tác, lão mù đúng là kẻ bệnh hoạn đáng tởm, và Ranko chẳng qua chỉ là một bậc thang dưới bước chân của lão. Phim khác hẳn. Ở đó, lão mù tâm tính trong sáng ngây thơ, chỉ đơn giản là một kẻ truy cầu nghệ thuật và nghe lời mẹ (trong nguyên tác không có nhân vật người mẹ này), ngoài ra lão còn bị Ranko quay như chong chóng… Lão thực sự yêu Ranko chứ không tệ bạc như nguyên tác. Cái kết của phim cũng hoàn toàn khác, và đó là cái kết tuyệt vời! Nếu tôi chưa từng đọc nguyên tác trước khi xem phim, hẳn tôi đã bị shock!

Khi đọc, tôi vẫn nghĩ nếu lão mù là tên đẹp trai cao to chắc sẽ đọc thích hơn a. Đáng tiếc chỉ là lão mù xấu xí U40. Lão mù đẹp trai lực lưỡng trong phim mới đúng hình tượng tôi mong đợi a!

Leave a comment