Bàn về Nguyên Thập Tam Hạn thời trẻ

Người đọc Ôn Thụy An ở VN vốn không nhiều, người thích Nguyên Thập Tam Hạn có lẽ càng ít hơn. Bởi y chỉ là một nhân vật phản diện “hơi nhỏ” trong series Thuyết Anh Hùng Thùy Thị Anh Hùng. Chỉ xuất hiện trong một tập và chết ngay trong tập ấy.

Series này gồm những cuốn:

– Ôn Nhu Nhất Đao

– Nhất Nộ Bạt Kiếm

– Kinh Diễm Nhất Thương

– Thương Tâm Tiểu Tiễn

– Thiên Triều Nhất Côn

– Quần Long Chi Thủ

– Thiên Hạ Hữu Địch

– Thiên Hạ Vô Địch

– Thiên Hạ Đệ Nhất

– Thiên Địch

Trong đó, Kinh Diễm Nhất Thương đã được TVB dựng thành phim bộ. Nhưng thật ra, series này là cả một câu chuyện lớn, từng cuốn đều liên quan với nhau, nếu đọc cuốn sau mà không đọc cuốn trước thì chẳng hiểu gì cả. Mà bộ phim vỏn vẹn 20 tập thì không thể kể về quá nhiều chi tiết và nhân vật của series. Vì vậy, phim TVB chỉ thể hiện một câu chuyện rất nhỏ trong Kinh Diễm Nhất Thương. Đó là thời trẻ của Thiên Y Cư Sĩ-Gia Cát Chính Ngã-Nguyên Thập Tam Hạn, những nguyên nhân dẫn đến ân oán nặng nề giữa Gia Cát-Thập Tam, cùng chuyện tình tay ba giữa hai người với Tiểu Kính cô nương. Có lẽ do ảnh hưởng của phim nên Heen đặt biệt ấn tượng với Nguyên Thập Tam Hạn.

Tính tình y cao ngạo, nhỏ nhen, hẹp hòi, tính toán hơn thua. Võ công của y rất cao, nhưng mãi mãi vẫn thua Gia Cát chút đỉnh. Khi Gia Cát tiếp kiến hoàng thượng, trời quang mây tạnh. Đến lượt y thì mưa gió bão bùng và cuộc gặp bị bãi bỏ. Gia Cát luôn gặp vận may, y luôn gặp vận đen (mà theo tác giả giải thích, vận may của Gia Cát không phải lúc nào cũng do trời, mà nhiều khi do bản thân Gia Cát biết vận dụng trí thông minh để tạo ra thời cơ). Một con người cao ngạo và hẹp hòi như vậy mà bị thua thiệt mãi, cộng thêm sự ly gián của Thái Kinh, quan hệ Gia Cát-Thập Tam vốn không hòa thuận, mặc dù Gia Cát luôn nhường nhịn và tránh va chạm.

Đến khi cả hai cùng gặp Tiểu Kính, vị tiểu cô nương vô cùng thông minh xinh đẹp dịu dàng, cả ba người cùng rơi vào thế cờ gọi là “tình cục” không lối thoát.

Chàng Gia Cát tuổi trẻ phong lưu hào hoa, trải qua cuộc tình với bao người đẹp, nhưng chưa từng động chân tình, thế mà vừa gặp Tiểu Kính cô nương, chàng biết ngay: “she’s the one”. Nguyên Thập Tam Hạn nghiêm túc, cứng cỏi, chưa từng yêu ai, vừa gặp nàng đã yêu nàng say đắm. Vì Thiên Y Cư Sĩ bị trọng thương, hai người tạm gác mọi ân oán, ở lại cùng Tiểu Kính cô nương sống vui vẻ. Có lẽ đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời Thập Tam. Biết tam sư huynh cũng yêu Tiểu Kính, Thập Tam tự nhủ lần này quyết không thể thua, vả lại y cũng tự tin mình đẹp mã hơn Gia Cát (ừ thì tác giả cũng đồng ý rằng Thập Tam đẹp trai hơn Gia Cát)! Với Gia Cát, chàng nghĩ một thanh niên nghiêm túc như Thập Tam mới là người chồng Tiểu Kính cần. Chỉ cần Tiểu Kính lên tiếng, Thập Tam sẵn sàng rũ bỏ tất cả để sống cuộc đời ẩn dật bên nàng. Vì vậy chàng quyết định từ bỏ.

Hoàng thượng ban lệnh ám sát tên phản tặc Trí Cao. Ai giết được hắn sẽ được ban thưởng hậu hĩnh. Bên cạnh Trí Cao có Thất Tuyệt Thần Kiếm võ công tuyệt đỉnh. Vì để thành toàn cho Thập Tam và Tiểu Kính, Gia Cát giành phần khó xơi nhất về phía mình là đấu với Thất Kiếm, để Thập Tam giết Trí Cao lập công. Thập Tam bắt đầu vui vẻ với Gia Cát. Nhưng trớ trêu thay Trí Cao chính là cha Tiểu Kính. Khi Tiểu Kính tìm Thập Tam trả thù, y không chống trả, để mặc nàng đâm nàng chém (cũng từ đây mà hỏng cả gương mặt đẹp trai!). Y phẫn uất, cho rằng Gia Cát đã gài bẫy y. Tiểu Kính tin lời Thập Tam. Sau đó nàng lấy Thập Tam nhằm lợi dụng y trả thù Gia Cát. Bi kịch thực sự bắt đầu từ đây.

Tiểu Kính lấy Thập Tam vì lòng hận thù đối với Gia Cát chứ không hề yêu Thập Tam. Nàng không vui. Thập Tam biết điều đó, y càng không vui. Y càng cực đoan, nóng nảy, hung bạo hơn, Tiểu Kính càng không vui hơn. Y lại càng cực đoan, nóng nảy, hung bạo hơn nữa… Trí Cao có Thương Tâm Tiểu Tiễn, Tiểu Kính trao bảo bối này cho Thập Tam, để y luyện thành thần công đánh bại Gia Cát. Vì thiếu Sơn Tự Kinh mà Thập Tam dần đi vào ngõ cụt, không có tăng tiến. Biết Tam Tiên đạo nhân có Sơn Tự Kinh, nhưng y tính tình cao ngạo, không đời nào chịu cầu xin người khác. Y không đi thì Tiểu Kính đi thay y. Nàng dùng thân thể của mình đổi lấy Sơn Tự Kinh cho y. Mỗi tối nàng ra đi, sáng nàng mới về và truyền lại một phần cho y. Thập Tam không hỏi không rằng, cứ thế mà luyện. Ba tháng sau, Thập Tam luyện thành Thương Tâm Thần Tiễn. Mũi tên giết người đầu tiên bắn ra nhắm vào Tiểu Kính. Tam Tiên đạo nhân đã chạy trốn, Thập Tam liền tìm đến Gia Cát. Biết chuyện của Tiểu Kính, Gia Cát vô cùng bi phẫn. Xưa nay, chàng luôn nhường nhịn người Tứ sư đệ này. Lần này chàng quyết không nhường nữa. Thập Tam có Thương Tâm Tiểu Tiễn, Gia Cát cũng sáng tạo ra Nồng Diễm Nhất Thương. Chỉ là thua một chiêu nửa thức, nhưng Tiễn thua Thương thì vẫn là thua.

Giết chết Tiểu Kính, đứa con bỏ đi, bại dưới tay Gia Cát, không được triều đình trọng dụng cộng với sự ly gián của Thái Kinh, Nguyên Thập Tam Hạn dần rơi vào ma đạo không phân biệt trắng đen, bị đồng đạo võ lâm khinh bỉ. Bản thân y cũng dần trở thành con quái vật khiến người ta ghê sợ.

Thật đáng buồn cho một nhân vật tài năng tuyệt thế lại trở nên như vậy. Y cũng từng là người tốt cơ mà, y cũng từng có lúc dịu dàng cơ mà. Y đã từng yêu say đắm một người, tại sao khi lấy được người đó lại không biết trân trọng? Tại sao lại để nàng lấy thân thể đổi lấy võ công cho mình? Tại sao lại nỡ giết nàng khi nàng làm điều đó chỉ để giúp mình? Giết nàng, y cũng đau đớn tột cùng. Nếu đã đau đớn vậy, tại sao phải giết?…

Mà Heen cũng không hiểu, người tâm cao khí ngạo như Nguyên Thập Tam Hạn, y đã không chịu cầu xin Tam Tiên đạo nhân, mà sao lại để vợ mình đi thay? Biết thứ ấy do vợ mình dùng thân thể đổi lấy, là người tâm cao khí ngạo, lẽ ra Thập Tam phải nổi giận mà từ chối. Đằng này cứ im im, để vợ phải làm chuyện nhục nhã ấy, bản thân mình thì hưởng lợi. Theo Heen, điều đó rất hèn hạ. Nếu vì vợ ngoại tình mà giết vợ, thì hãy giết ngay từ đầu, đừng ngồi không hưởng hết mọi thành quả do vợ đem lại rồi mới giết. Dù rất tiếc cho Nguyên Thập Tam Hạn, Heen vẫn phải nói: đáng khinh!

*****

Thật ra khi viết những đoạn trên, Heen mới đọc được 1/4 của Kinh Diễm Nhất Thương, tức là thời trẻ của các nhân vật lừng lẫy ấy mới được kể tóm tắt xong. Đọc tiếp về sau, tác giả giải thích rằng do Sơn Tự Kinh đã bị Thái Kinh sai Tam Tiên đạo nhân đảo lộn thứ tự, mất chỗ này thiếu chỗ kia, mới khiến cho Thập Tam đi vào ma đạo, và không thể đạt đến đỉnh cao của Thương Tâm Tiểu Tiễn.

Nhưng Heen nghĩ, chuyện Thập Tam đi vào ma đạo đâu thể đổ thừa hết Thái Kinh. Từ xưa y đã  là người tính tình hẹp hòi, so đo thiệt hơn. Suy tính không đủ thấu đáo, đối nhân xử thế không khiến người ta nể trọng. Không chỉ về võ công mà mọi mặt khác đều không bằng Gia Cát. Nhưng y lại quá tự phụ kiêu cao để nhìn thấy khuyết điểm của mình. Gia Cát tốt với y, y cho là có âm mưu; Gia Cát nhường nhịn y, y cho là bị xem thường. Không thỏa mãn với hiện tại, có chí cầu tiến là tốt, nhưng vẫn phải biết vị trí của mình và lúc nào nên ngừng lại. Thập Tam quả thật không biết vị trí của mình, nên cả đời y không có hạnh phúc. Không biết trân trọng những gì đang có, để vuột mất, không chịu nhìn lại lỗi lầm của mình mà chỉ biết đổ thừa: tại trời, tại hắn, tại xã hội… Y không hề biết rằng, đã có lúc Gia Cát mong có cuộc sống như Thập Tam: có Tiểu Kính làm vợ, không cần long tranh hổ đá trong triều đình, không cần phòng người này lo người kia, có thể sống phiêu diêu tự tại. Thập Tam đã có cuộc sống như mơ ấy, và đã tự tay phát nát.

Thập Tam về già khá thê thảm. Sau khi giết chết Thiên Y Cư Sĩ, một lần nữa y lại đấu với Kinh Diễm Nhất Thương của Gia Cát (trước đó vẫn gọi là Nồng Diễm, chắc sau này lên level nên gọi là Kinh Diễm?). Trong trận này hai người đều trọng thương, và Thập Tam thương nặng hơn. Nhưng khộng thể dựa vào đó để nói rằng Gia Cát nhỉnh hơn. Bởi trước đó Thập Tam đã hao tổn quá nhiều công lực, lại bị mất một mắt và một ngón tay út. Sau đó, y tiếp tục mất thêm một cánh tay nữa để giết đồ đệ của mình. Về lại Kinh thành, Thái Kinh không còn muốn trọng dụng nữa, lại thêm sự “thúc đẩy tích cực” của tiểu hầu gia Phương Ứng Khán, ba ly rượu kịch độc được ban cho Thập Tam.  Trúng độc, thêm sự vây khốn của các cao thủ, Thập Tam tưởng chừng phải chết nhục nhã. Thế rồi Vương Tiểu Thạch xuất hiện để cứu y. Mục đích của Vương là để y phục hồi công lực rồi đấu một trận công bằng. Dù sao vị Tứ sư thúc này cũng là một hào kiệt, đã từng đánh một trận công bằng với Thiên Y rồi mới giết Thiên Y, nếu Tứ sư thúc chết thì cũng phải chết như một hào kiệt. Y bắt đầu có cảm tình với người trẻ tuổi này. Nhưng một trận huyết chiến là không thể tránh khỏi. Khi Thập Tam tung ra sát chiêu cũng là lúc viên sỏi bắt vào con mắt còn lại của y. Nếu đánh tiếp chiêu này, chắc chắn sẽ giết được Vương Tiểu Thạch. Nhưng y lại vỗ chưởng lên đầu mình, tự sát. Ừ thì, đã thân tàn ma dại, bị đại địch truy kích, bị người đời xa lánh chán ghét, đến người luôn tha thứ cho y là Gia Cát, đã không thể tha thứ nữa, sống như thế còn sống làm gì. Khi mắt đã mù, lòng y mới sáng lại. Nhưng, chẳng phải đã quá muộn rồi sao? Kết cục như vậy, chẳng phải do y tự  gây ra sao? Y chết, nhiều người vui mừng, hả hê. Chắc trên đời chỉ có Vương Tiểu Thạch động lòng thương cảm.

À, còn có Heen nữa. Heen không hẳn thích nhân vật này, suốt truyện cũng không ít lần chửi y bẩn thỉu. Nhưng lại là nhân vật Heen rất ấn tượng. Coi phim ấn tượng, đọc truyện cũng ấn tượng. Vì vậy khi y chết thì cũng không khỏi thương cảm và tiếc nuối như Vương Tiểu Thạch. Thuyết anh hùng thùy thị anh hùng. Luận anh hùng, ai mới là anh hùng. Nguyên Thập Tam Hạn có thể không phải một anh hùng, nhưng chắc chắn là đấng hào kiệt.

 

6 comments

  1. Kinh Diễm Nhất Thương chứ ko phải là Nồng Diễm. Anyway, Thương thì size lớn hơn Tiễn là đúng rồi.
    Ngoài ra, thắc mắc của đồng chí ở trên về Sơn Tự Kinh, trong phần đó tác giả Ôn Thụy An cũng có giải thích sơ qua rồi .

Leave a comment